Chuẩn bị rau củ sạch cho mùa Tết

Rau củ Đà Lạt cho thị trường Tết năm nay sẽ dồi dào với giá cả ổn định là ghi nhận sau chuyến kết nối giữa thương nhân các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị TP HCM với các nhà vườn. Bước vào nhà lồng rộng mênh mông với dưa lưới và dâu tây trồng theo mô hình công nghệ sạch của Công ty Sinh Học Sạch (TP Đà Lạt)

Nguồn hàng dồi dào

Chị Thủy – chủ trang trại này – cho biết dâu tây và dưa lưới là những sản phẩm đầu tiên được chị thử nghiệm theo công nghệ sạch hữu cơ, treo trên giá thể, sử dụng công nghệ phun tưới của Hà Lan nên giá cả sản phẩm thường rất đắt, phải có đặt hàng, có đầu ra chắc chắn thì mới dám trồng.

Dự kiến giá của hai sản phẩm này ra thị trường Tết không dưới 200.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn tại Đà Lạt cũng cho biết thường chuẩn bị hàng hóa cho mùa Tết từ rất sớm.

“Từ tháng 9, chúng tôi đã nhận được dự báo tiêu thụ hàng hóa dịp Tết của siêu thị để lên kế hoạch chuẩn bị” – ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại rau Phong Thúy (Đà Lạt) – chuyên cung ứng rau cho hệ thống Co.op Mart và BigC, nói.

Theo ông Phong, năm nay trang trại sẽ tăng sản lượng thêm hơn 20%, với khoảng 600 tấn rau như bắp cải, cà chua, hành tây, nhóm rau củ muối…

Đại diện Công ty rau Thảo Nguyên cũng cho biết sản lượng rau cho mùa Tết mỗi năm thường tăng 25-30%, một phần do nhu cầu tăng nhưng chủ yếu là nhà vườn phải dự phòng sản lượng để đảm bảo giá không biến động nhiều.

Sau khi tiếp xúc với một số nhà vườn tại Đà Lạt, chị Trần Thị Triều – tiểu thương chợ đầu mối nông sản Thủ Đức – cho biết sẽ tìm thêm được nguồn cung mới.

“Bây giờ đi tìm mối hàng Tết cũng hơi muộn, nhưng vẫn có nhà vườn cam kết cung ứng đủ số lượng một số sản phẩm cho thị trường Tết với giá cả được đảm bảo sẽ không tăng” – chị Triều nói.

Nhiều đầu mối bán sỉ tại TP HCM cho biết việc lên kế hoạch sớm rồi báo cho các nhà vườn thì vừa không lo về giá, vừa đảm bảo được nguồn cung lại không sợ thiếu hụt hàng.

Theo chủ đại lý hoa Long Thảo tại chợ Bến Thành (TP HCM), riêng ngành hàng hoa sẽ không thể đảm bảo được số lượng bao tiêu cũng như giá cả cụ thể.

Tuy nhiên, sau mỗi mùa kinh doanh có thể dự báo được tình hình mùa Tết năm tới, nên khoảng tháng 9-10 sẽ thông báo số lượng tiêu thụ, chủng loại hoa Tết để các nhà vườn có kế hoạch gieo trồng.

“Như vậy, đến thời điểm nhập hàng sẽ không lo bị thiếu hụt hàng hóa và cũng không sợ giá sẽ nhảy múa nữa” – vị này cho biết.

Liên kết để ổn định nguồn cung và giá cả

Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết trong những chuyến khảo sát ở Đà Lạt, bà thấy rất xót xa trước cảnh nhà vườn bỏ hoang nông sản không thu hoạch do không tìm được đầu ra.

Do đó, việc tổ chức kết nối giữa các tiểu thương và nhà vườn không chỉ giúp tiểu thương có nguồn cung dồi dào với giá cả ổn định, mà nhà vườn cũng không còn sản xuất theo kiểu tù mù, được chăng hay chớ như trước.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp đón hàng hóa, nông sản của các địa phương vào chợ có mức giá phù hợp và ổn định, nhưng nông dân cần phải có kế hoạch sản xuất và dự báo được thị trường, tránh thừa thãi hàng hóa” – bà Hà nói.

Nhiều nhà phân phối tại các chợ và siêu thị ở TP HCM cũng cho rằng để hàng Tết không bị dư thừa và giá cả bất ổn, cần có sự phối hợp từ nhiều phía, trong đó các nhà vườn cũng phải có kế hoạch sản xuất cụ thể trên cơ sở số lượng đặt hàng của nhà phân phối.

Ông Hoàng Ngọc Hải, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận nếu muốn giá cả ổn định phải có thông tin hai chiều. Nông dân sản xuất theo số lượng dự báo của các nhà phân phối, chẳng hạn loại rau gì, sản lượng bao nhiêu…

Ngoài ra, bản thân các nhà vườn cũng phải liên kết để đảm bảo không cạnh tranh nhau theo kiểu mạnh ai nấy làm, dẫn đến thừa cung rớt giá.

Theo ông Hải, ngoài những nhà vườn đã có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp bao tiêu ổn định, trên địa bàn vẫn còn một số nhà vườn sản xuất theo kiểu tự phát, thiếu thông tin thị trường và thiếu liên kết.

Do đó, trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ tổ chức để nông dân liên kết với nhau, sản xuất một sản lượng nhất định cho một số sản phẩm căn cứ trên thông tin về tình hình tiêu thụ. Ngoài sự liên kết, cần phải xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa người nông dân và nơi tiêu thụ.

Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP HCM, cho biết Lâm Đồng là địa phương cung ứng chủ lực các loại rau củ, hoa cho thị trường thành phố vào các dịp Tết, nên việc liên kết giữa tiểu thương với các nhà vườn là bước đi cần thiết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageChange Image